Pháp ngữ Vĩnh Minh Diên Thọ

Có vị tăng ra hỏi: Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh? Sư đáp: Lại thêm hương đi. Tăng thưa: Tạ thầy chỉ dạy. Sư bảo: Hãy mừng chớ giao thiệp.

Sư làm bài kệ:

Biết diệu chỉ Vĩnh Minh

Trước cửa nước một hồ

Trời soi ánh sáng dậy

Gió sang sóng mòi sinh.

Tăng hỏi: Ðâu chẳng phải lìa thức tính riêng có chân tâm ư? Trường Sa (Cảnh Sầm) có kệ:Học đạo mà không hiểu lí chân, bởi tại lâu rồi nhận thức thần, gốc nguồn sinh tử vô thuỷ kiếp, người ngu lại gọi là chủ nhân.

Sư đáp: Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ-lăng-nghiêm vì ngài A-nan-đà giản biệt rất rõ mà ngươi vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó. Cái suy xét theo đuổi ấy là Thức vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là Phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa nay chẳng sinh, nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên Duy-ma-cật nói:Trực tâm là đạo trường! vì không có hư giả vậy.